Gánh nặng chi phí toàn cầu vì xung đột ở Ukraine

Ukraine cần hỗ trợ ngân sách khoảng 5 tỷ USD/tháng trong 5 tháng và 600 tỷ USD để tái thiết. Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ cũng đang lao đao vì những vấn đề của riêng mình.

https://zingnews.vn/ganh-nang-chi-phi-toan-cau-vi-xung-dot-o-ukraine-post1311940.html

Theo Wall Street Journal, tuần trước, các quan chức hàng đầu thế giới đã tập trung tại Washington. Họ cùng đối mặt với gánh nặng chi phí ngày càng gia tăng vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Cùng với đó là những thách thức khi hỗ trợ Ukraine trong cả ngắn và dài hạn.

Theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyha, Ukraine cần hỗ trợ ngân sách khoảng 5 tỷ USD/tháng trong vòng 5 tháng và thêm 600 tỷ USD nhằm hỗ trợ tái thiết.

Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và một số chính phủ đã bắt đầu cam kết đóng góp. Nhưng các quan chức thừa nhận rằng sẽ còn nhiều việc phải làm đưa có được nguồn vốn cần thiết.

Vien tro Ukraine anh 1

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyha cho biết nước này cần hỗ trợ ngân sách khoảng 5 tỷ USD/tháng trong vòng 5 tháng và thêm 600 tỷ USD nhằm hỗ trợ tái thiết. Ảnh: Susan Walsh/Press Pool.

Khoản chi phí khổng lồ

Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ cũng đang lao đao vì những vấn đề của riêng mình, nhất là tăng trưởng lao dốc và lạm phát leo thang. Nhiều nước đang phát triển đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt, bị đè nặng bởi núi nợ và chi phí vay tăng cao. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Các nước này cũng cần tới sự giúp đỡ của những quốc gia giàu có và các tổ chức tài chính quốc tế như WB và IMF.

"Vấn đề lớn đối với mọi quốc gia là làm cách nào để đối phó với các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau, ngay cả khi chúng ta còn chưa phục hồi sau khủng hoảng đầu tiên", bà Gita Gopinath - Phó giám đốc điều hành của IMF - nhận định.

Tại cuộc họp ở Washington, 2 vấn đề lớn nhất của các bộ trưởng tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương là viện trợ phi quân sự cho Ukraine và núi nợ của những quốc gia đang phát triển.

Theo bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành của IMF, Ukraine cần khoảng 5 tỷ USD/tháng để chi trả cho các hoạt động thiết yếu của chính phủ trong 2-3 tháng tới. Ngân sách nước này lao dốc do sụt giảm doanh thu và gia tăng chi phí, chẳng hạn chăm sóc y tế cho những binh lính bị thương.

Vấn đề lớn đối với mọi quốc gia là làm cách nào để đối phó với các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau, ngay cả khi chúng ta còn chưa phục hồi sau khủng hoảng đầu tiên

Bà Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành của IMF

Thủ tướng Ukraine Shmyhal cho biết nước này sẽ cần khoảng 600 tỷ USD để phục hồi, tái thiết và chuyển đổi nền kinh tế.

Chính phủ Ukraine đã yêu cầu một số quốc gia trao 10% quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) chưa sử dụng cho nước này. Hồi năm ngoái, IMF đã phân bổ 650 tỷ USD SDRs mới cho các quốc gia thành viên, nhằm hỗ trợ nỗ lực chống lại đại dịch và hồi phục kinh tế.

Trong khi đó, WB ước tính rằng tính tới nay, thiệt hại vật chất đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine đã lên tới 60 tỷ USD.

Theo Chủ tịch WB David Malpass, nỗ lực tái xây dựng nên bắt đầu bằng việc sửa chữa khẩn cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, hệ thống sưởi và mạng lưới kỹ thuật số trong vòng 6-8 tháng sau khi chiến tranh kết thúc.

Theo sau là nỗ lực củng cố các thành phố, hộ gia đình, nông nghiệp và doanh nghiệp.

Các quan chức từ những tổ chức đa phương cho biết họ hy vọng có thể cung cấp hỗ trợ cho các nhu cầu ngân sách ngắn hạn của Ukraine, thông qua những khoản viện trợ không hoàn trả từ các quốc gia, thay vì những khoản vay yêu cầu hoàn trả.

IMF dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm 35% trong năm nay. Ông Shmyhal cho biết hơn 60% doanh nghiệp của đất nước đã ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc một phần vào tháng 3.

Tăng sức hút với đầu tư tư nhân

"Việc hợp tác cho nỗ lực tái thiết là một quá trình phức tạp", bà Odile Renaud-Basso - Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) - nhận định.

Theo bà, Ukraine cần cam kết tái thiết toàn bộ nền kinh tế, đồng thời đưa ra những kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu lâu dài, bao gồm các nỗ lực về môi trường.

“Trước chiến tranh, Ukraine đã có chương trình cải cách lớn nhằm cải thiện quản trị, hệ thống tư pháp và chống tham nhũng", bà Renaud-Basso bình luận.

“Nhưng những thách thức này vẫn còn. Chúng sẽ phải được giải quyết trong quá trình tái thiết, nếu Ukraine nhận được nhiều sự hỗ trợ từ quốc tế", bà nói thêm.

Theo giới chức, đầu tư của khu vực tư nhân cũng là một yếu tố quan trọng. Hôm 21/4, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo và Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko đã có cuộc gặp với các giám đốc điều hành từ những tổ chức tài chính hàng đầu của Mỹ nhằm thảo luận về nỗ lực tái thiết Ukraine.

Vien tro Ukraine anh 2

Bà Odile Renaud-Basso - Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Các đại diện của Bank of America Corp., Goldman Sachs Group Inc., Citigroup Inc. và Mastercard Inc đều tham gia cuộc gặp mặt.

"Chúng tôi tin rằng một khoản đầu tư tư nhân khổng lồ sẽ mang tới cho chúng tôi động lực cần thiết để thoát khỏi cuộc khủng hoảng", ông Marchenko nói với Wall Street Journal.

Ông cho biết nhóm đã thảo luận về những cải cách ở Ukraine giúp thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn, bao gồm chống tham nhũng, cải thiện hệ thống tư pháp và tăng cường bảo vệ nhà đầu tư.

"Chúng ta cần làm những bước cần thiết để thu hút thêm vốn đầu tư vào Ukraine", ông Marchenko khẳng định.

Contact us
21/9/19 Road 11, Ward 11, Gò Vấp District, Ho Chi Minh City Viet Nam View map
Tel: Mr. Thành: 0909.506.851 / Mr. Công: 0702.166.882 (ZALO)
Online: 10
Total visitors: 50